PMP lesson learned - Nguyễn Anh Tuấn (Samsung SDS PMPPRO1)
Bài chia sẻ kinh nghiệm, lộ trình học & thi PMP cực kỳ chi tiết đến từ anh Nguyễn Anh Tuấn, học viên đến từ khóa luyện thi PMP® mà Atoha triển khai dành riêng cho Samsung SDS.
Trước khi thi mình có rất nhiều mối quan tâm cần giải đáp nên bây giờ khi viết Lesson Learned, mình cũng trình bày theo dạng Q&A để mọi người tìm thấy những nội dung mình hứng thú nhanh hơn.
Cách học bài bản và hiệu quả đã được các thầy ở Atoha và rất nhiều bạn thi pass PMP chia sẻ rồi. Theo những gì mình tự đánh giá về quá trình học của bản thân, Lesson Learned của mình sẽ đáng tham khảo hơn với các bạn vừa bận việc trên công ty, vừa nhiều việc gia đình.
Đề thi thật có giống đề thi thử trong kho đề Atoha không?
- Đề mình gặp hôm thi (July 2024) rất tương tự những câu mình đã gặp trong quá trình làm mock test trên kho đề của Atoha, tương tự cả về cấu trúc đề lẫn độ khó.
- Các câu trong đề mình thi ngắn hơn đáng kể so với các câu trong mock test, thường khoảng 3-5 dòng.
Bạn đã làm những đề mock test nào? Đánh giá về các đề đó?
- Các đề mình đã làm:
- Đề mini test số 1, 2 và 3 (mỗi đề khoảng 50 câu)
- Đề full-test Prep 01 và Prep 02 (mỗi đề 200 câu)
- Đề Super Plus Q4(đề này 402 câu)
- Mình chưa làm các đề khác nên không rõ các đề đó có tương đương với bài thi thật không, nhưng ít nhất các đề ở trên đều rất sát với bài mình gặp khi thi, theo mình đánh giá những bài trên là đối tượng khá tốt để ôn luyện, đặc biệt là đề Super Plus Q4.
- Vốn trong kế hoạch mình còn định làm các đề 10a, 10f, 10g, Super 1, Super 2… vì mình tin là các đề này cũng có nhiều câu tương đương với tình huống & độ khó của bài thi thật nhưng mình không thu xếp đủ thời gian.
Đề thi có cấu trúc như thế nào?
Phân bố nội dung và format trong bài mình thi (nhấn mạnh là trong bài mình gặp):
- Công thức tính toán: Không có tính toán bằng công thức. Có một vài câu nhắc tới CPI/SPI nhưng đã cho sẵn giá trị để mình suy xét tình huống.
- Tool/technique/process: Các câu về tool/technique/project document hay process không nhiều. Đa số đều là câu hỏi tình huống và trải đều các chủ đề vẫn hay gặp khi làm mock test (development approach, manage team, conflict, risk, change control, communication, stakeholder…).
- Câu hỏi bấm chọn trong hình: Mình không gặp câu nào cần bấm chọn một vùng nào đó trong hình.
- Câu hỏi dạng matching: Có khoảng 5 câu dạng matching (ghép cặp các khái niệm với mô tả tình huống ứng với khái niệm đó).
- Câu hỏi multiple choice: Có khoảng 10 câu multiple choice.
- Còn lại trên 90% đều là single choice.
Kết quả như thế nào thì pass?
- PMI đánh giá năng lực trên 3 domain: People, Process, Business Envirnoment. Sau khi kết thúc bài thi, năng lực của từng domain sẽ được đánh giá theo 4 mức độ: Need Improvement (NI) - Below Target (BT) - Target (T) - Above Target (AT).
- Kết quả cuối cùng (Overall Performance) cũng được quy vào 1 trong 4 mức trên, từ Target trở lên là pass. Tuy nhiên như mọi người đều biết, sẽ không có số điểm hay số phần trăm cụ thể, và mình cũng không rõ kết quả từng domain như thế nào thì overall sẽ pass.
- Theo như mình tham khảo được thì 3 domain đều đạt Target trở lên là pass. Có người kể là 1 Below Target, 2 Above Target cũng pass. Còn khi có ai đó được gọi là “max score” thường nghĩa là người đó được Above Target ở cả 3 domain (3AT).
Quy trình check in và làm bài (offline) tại trung tâm?
a/ Trình tự từ lúc làm thủ tục tại bàn check-in:
- Xuất trình 1 loại giấy tờ tùy thân hợp lệ.
- Nhận chìa khóa tủ để đồ và cất hết đồ đạc cá nhân vào tủ, không giữ lại món gì ngoài các thiết bị hỗ trợ đặc biệt theo hướng dẫn PMI gửi sau khi đăng ký thi.
- Đi vệ sinh, rửa mặt, ngồi thiền… (tức là làm tất cả các công việc cá nhân để sẵn sàng bước vào phòng thi).
- Lộn trái túi quần áo để giám thị kiểm tra.
- Ký, ghi giờ vào lên biên bản rồi bắt đầu vào phòng.
Trung tâm mình thi chỉ có duy nhất 1 phòng khá nhỏ. Mọi người ngồi cạnh nhau nhưng có vách ngăn giống như phòng lab, tổng cộng có khoảng 8 chỗ ngồi. Khi làm bài nói chung khá yên tĩnh, chỉ có tiếng click chuột, đôi lúc có tiếng rè rè nhẹ khi camera giám sát xoay góc, thỉnh thoảng lắm có người húng hắng nhẹ ở cổ hoặc xa xăm đâu đó có thể có một hai tiếng thở dài (nếu bạn không tập trung được thì trên bàn có 1 gói bông bịt tai).
Trước khi chính thức làm bài bạn có thể chọn tham gia phần tutorial khoảng 10 phút để làm quen với giao diện và các công cụ hỗ trợ của phần mềm thi. Kết thúc tutorial là vào bài.
b/ 180 câu hỏi sẽ được chia thành 3 block nhỏ, mỗi block 60 câu.
- Làm hết mỗi block 60 câu sẽ có 1 màn hình review (liệt kê trạng thái toàn bộ 60 câu vừa làm, nhìn thấy câu nào đã gắn flag, câu nào chưa trả lời >> có thể chọn xem lại bất kỳ câu nào để chỉnh sửa đáp án, hoặc khi đã review xong thì bấm “End Review” để kết thúc 1 block.
- Khi đã kết thúc 1 block 60 câu sẽ không quay lại xem/sửa đáp án được nữa. Lúc này hệ thống sẽ hỏi có muốn nghỉ giải lao (Break) 10 phút không >> có thể chọn làm tiếp luôn hoặc nghỉ.
- Nếu chọn nghỉ, hệ thống sẽ đếm ngược 10 phút giải lao. Bạn có thể tự rời chỗ ra ngoài ăn uống, đi vệ sinh, nghỉ ngơi thư giãn (nhưng không sử dụng các thiết bị điện tử, không được phép ra khỏi tòa nhà) và tự nhìn đồng hồ tại trung tâm để vào lại phòng thi trước khi hết 10 phút.
- Nếu bạn chọn không nghỉ thì 10 phút giải lao sẽ bị mất chứ không cộng thêm vào thời gian làm bài. Tóm lại tổng thời gian làm bài vẫn là 230 phút.
- Trong quá trình đang làm dở 1 block 60 câu, bạn có thể ra ngoài nếu có vấn đề cần hỗ trợ đặc biệt, nhưng việc đó sẽ làm phức tạp quá trình audit kết quả sau thi của bạn nên tốt nhất vẫn là làm hết 1 block rồi giải quyết vấn đề vào 10 phút giải lao.
- Khi làm xong hết 180 câu và kết thúc làm bài, bạn có thể tham gia trả lời 1 vài câu hỏi survey của PMI (chủ yếu về trải nghiệm khi làm bài) rồi ra ngoài.
- Ở ngoài, bạn ghi giờ ra và ký nhận thêm 1 lần nữa vào biên bản. Lúc này giám thị sẽ cung cấp cho bạn 1 tờ kết quả tạm thời và bạn sẽ biết ngay là mình pass hay fail, chỉ là chưa biết đánh giá cụ thể các domain và overall của mình ở mức nào. PMI sẽ còn check quá trình thi của bạn xem có vấn đề gì không trước khi chính thức công nhận và gửi kết quả chi tiết cho bạn qua mail trong vòng 48h (như của mình thì chỉ cần chờ tới sáng sớm hôm sau).
- Tại trung tâm, bạn không cần nộp thêm bất kỳ khoản phí nào khác.
Có phải chọn luôn ngày thi trong lúc nộp phí thi không?
Không cần.
- Bạn thanh toán phí thi trước và cân nhắc chọn lịch sau vào thời điểm thích hợp.
- Kinh nghiệm là nên đăng ký PMI membership (1 năm), khi đó sẽ được giảm giá phí thi lần đầu cho các chứng chỉ PMI (kể cả bạn chỉ thi mỗi PMP thì tổng tiền membership + PMP cũng thấp hơn chỉ đăng ký thi PMP riêng).
Quá trình hẹn ngày thi tại trung tâm có đơn giản không?
Rất đơn giản. Lịch trống của tất cả các trung tâm đối tác/ủy quyền của PMI đều được tích hợp lên hệ thống của PMI nên đặt lịch rất dễ, không cần liên hệ trực tiếp với trung tâm.
Chuẩn bị gì vào ngày trước khi tới phòng thi?
Tối thiểu là giấy tờ tùy thân và 1 sức khỏe tốt.
Mình thi ca 13h chiều. Buổi sáng mình xin nghỉ làm, đến tòa nhà của trung tâm luôn trong buổi sáng để xác nhận địa điểm, ngồi cafe ở chân tòa nhà đọc lướt qua ít ghi chú trong sổ, ăn cơm trưa ở gần đó rồi lên thi.
Mình có mang đồ ăn vặt nhưng không dùng tới vì trưa đã ăn no luôn rồi; ở trung tâm cũng có sẵn cây nước đủ uống thoải mái; mình còn mang cả áo khoác mỏng (vì nghe mọi người bảo trong phòng thi khá lạnh) nhưng cũng không cần dùng vì nhiệt độ trong phòng khá dễ chịu (chắc tại đang mùa hè).
Kinh nghiệm trong lúc làm bài?
Đa số các câu hỏi mình đều giải quyết theo trình tự sau:
- Đọc câu cuối cùng của phần câu hỏi trước để biết câu đó cần mình làm gì:
- What might you have done differently to avoid… >> PM đã quyết định gì đó chưa đúng nên team đang gặp rắc rối >> cần để ý xem vấn đề là gì và hướng tới cách giải quyết phù hợp.
- What should the scrum master do first >> xác định hành động nào cần ưu tiên trước.
- Trở lại đọc từ đầu câu hỏi và để ý các keyword hỗ trợ cho tình huống vừa đọc được.
- Bước này mình đọc chậm, tìm bắt keyword và cố gắng liên kết các keyword với nhau để hình dung ra bối cảnh: dự án là adaptive hay predictive? đang ở phase/event nào? vấn đề đang gặp phải? đã làm những gì? đã có những gì?...
- Sau khi một lần nữa lướt qua yêu cầu ở dòng cuối cùng của đề bài, mình sẽ dừng lại nghĩ xem với bối cảnh như thế mình sẽ làm gì tiếp theo.
- Mình tránh đọc luôn xuống đáp án khi chưa có hướng giải quyết trong đầu vì như thế rất dễ bị đáp án ảnh hưởng, nhìn đâu cũng thấy đúng và dễ chọn nhầm.
- Tiếp đó mình duyệt các đáp án xem phương án nào giống cách giải quyết mình vừa vạch ra. Nếu không gặp đáp án nào tương tự, mình sẽ dùng phép loại trừ để thu hẹp phạm vi xuống còn 1-2 đáp án có vẻ đúng nhất rồi chốt phương án cuối cùng.
- Câu nào chọn đáp án xong vẫn băn khoăn thì gắn flag để review lại sau chứ không ngồi nghĩ lâu, sẽ phí thời gian của câu khác.
- Trên bàn có bút và 1 tập giấy ép bóng, viết xong có thể xóa được mực. Do không có câu cần vận dụng công thức nên mình không dùng.
- Phần mềm làm bài thi có tính năng highlight/strikethrough một đoạn text (mà mình đã nghe nhắc tới trước khi thi và khá mong đợi), nhưng lúc test thử thấy hơi khó dùng, mà câu hỏi thường không quá dài (ít keyword) nên mình nhớ trong đầu luôn, không dùng mấy công cụ này nữa.
- Trong phòng thi việc duy trì sự tỉnh táo là rất quan trọng nên mình thường xuyên thay đổi tư thế, từ nghiêng trái, nghiêng phải tới chống cằm, bóp vai, xoa trán,… Bạn cũng có thể thử các động tác tương tự, chỉ cần không đứng lên đột ngột hoặc nghiêng quá sang bàn bên cạnh.
Học thế nào là đủ? Có cần đọc sách & học thuộc ITTO không? Nếu chỉ luyện đề thì có thi pass không?
Trước khi thi mình băn khoăn các câu hỏi trên khá nhiều, và quyết định tự học theo những gì mình thấy cần và có khả năng thực hiện:
a/ Thế nào là đủ?
Tạm coi là đủ khi làm đúng khoảng 75% số câu trong 1 bài full test. Càng thêm được nhiều đề 75% như thế càng tự tin.
b/ Có cần đọc sách không?
Theo mình thì rất nên đọc. Lúc đầu mình không định đọc sách vì nghĩ sẽ mất quá nhiều thời gian (sách dày, lại vừa phải đọc hiểu tiếng Anh, vừa phải suy nghĩ về học thuật). Nhưng sau đó mình vẫn quyết định đọc quyển Process Groups: A Practice Guide (hay viết tắt là PGPG) để hiểu các quy trình, chủ yếu để làm rõ các công việc phải làm khi quản lý dự án: xong bước này rồi thì tới bước nào, cái nào phải trước, cái nào theo sau,…
Thật may là mình đã đọc, vì đọc xong 8 chương đầu (xong phần các process) mình thấy đỡ mơ hồ hơn hẳn, cảm giác lúc đó mới có thể lùi được 1 chút về phía sau và nhìn được bao quát hơn bức tranh về quản lý dự án. Mà đọc rồi mới thấy cũng không chậm như mình nghĩ, thậm chí có lúc còn thấy thú vị. Vậy nên mình chuyển qua ủng hộ quan điểm cần phải đọc sách. Không đọc hết cũng phải chọn được một số phần quan trọng để đọc.
c/ Học ITTO (Input/Tool/Technique/Output)?
Số câu hỏi thuần về ITTO không nhiều, và khi học các process trong quyển PGPG mình cũng đã đọc về một số nhóm ITTO quan trọng của từng process nên mình không tìm đọc kỹ về tất cả các ITTO trong các sách. Tuy nhiên, trong quá trình học và làm mock test mình có note lại các ITTO hay gặp và cũng tìm hiểu cẩn thận (VD như Risk register, Control chart, RACI, SEAM,...).
d/ Nếu chỉ luyện đề thì có thi pass không?
Mình nghĩ nếu chỉ luyện đề mà không tìm hiểu một chút kiến thức nền nào thì có thể vẫn pass được nhưng sẽ phải luyện rất nhiều và như thế là sử dụng công sức không hiệu quả. Ít nhất cũng nên nắm được tổng quan về các process, data flow giữa các process, core mindset, các bước khi tiến hành change control hay xử lý risk/conflict,… rồi hãy nghĩ tới việc “cày” đề. Luyện đề có thể giúp điều chỉnh mindset và bù đắp lỗ hổng, nhưng sẽ hiệu quả hơn khi có nền tảng để so sánh.
Xem thêm: PMP Guide
Bạn học mấy tiếng mỗi ngày?
Mình thuộc loại không có nhiều thời gian rảnh ở nhà. Mỗi ngày mình chỉ dành ra tối đa được 1 tiếng, kể cả ngày cuối tuần. Thực tế mình muốn có thể sắp xếp thêm được thời gian cho việc học nhưng không được vì còn nhiều thứ ưu tiên hơn. Theo kinh nghiệm từ nhiều bạn khác thì đẹp nhất là bạn học được vài ba tiếng mỗi ngày.
Cách bạn học?
Vì không có nhiều thời gian rảnh ở nhà để đọc nhiều sách và làm nhiều mock test như một số bạn khác, mình chọn cách học tranh thủ, học theo độ ưu tiên & đến đâu cố chắc đến đấy.
- Học theo độ ưu tiên:
- Mình vạch ra 1 check list những kiến thức sẽ học, sắp xếp thứ tự trước sau và cứ thế giải quyết lần lượt (kiểu như: process groups >> project life cycle >> Atoha PMI Gaps…).
- Những kiến thức nền tảng sẽ ưu tiên trước, hoặc các phần liên quan đến nhau/bổ sung cho nhau sẽ sắp xếp học liền nhau để xâu chuỗi kiến thức tốt hơn.
- Học tranh thủ:
- Mình tận dụng những lúc rảnh đầu óc (nhưng có thể không rảnh tay, như lúc đi lại, rửa bát,...) để nghe radio/podcast các kiến thức về PMP, coi như thay cho đọc sách. Tiện đây ai hứng thú có thể nghe thử bài podcast này, có 1 project manager quản lý team dựng đề thi trong chính PMI chia sẻ về cách họ đánh giá năng lực qua bài thi.
- Buổi trưa mình luôn tham gia trả lời daily quiz do các bạn bên Atoha gửi hàng ngày trên nhóm Zalo và cố gắng hiểu thật kỹ tất cả mindset/tool/technique đề cập tới trong câu hỏi. May nhờ các session này mà mình duy trì được nhịp độ học không bị đứt đoạn.
- Mình nhận ra tâm lý trì hoãn khi bắt gặp suy nghĩ: mấy đề full (180 câu) phải chờ hôm nào rảnh 4 tiếng mới làm được >> ngay khi nhận thấy, mình quyết định rảnh ít cũng vẫn làm, làm không đủ thời gian và không hết đề cũng chẳng sao, còn hơn là không làm. Việc để dành đề full để sau này test năng lực (thử làm 180 câu trong 4 tiếng xem bao nhiêu % chẳng hạn) cũng là không cần thiết vì đề trong kho có rất nhiều, rảnh ngồi làm cả tháng cũng chẳng hết, tức là không thiếu đề full để verify kỹ năng.
- Học đến đâu chắc đến đấy:
- Mình cố giữ 1 nguyên tắc là học đến phần nào sẽ cố gắng đọc hiểu kỹ luôn, có thắc mắc thì tìm hiểu hoặc hỏi cho rõ mới thôi (hỏi bạn rồi tới hỏi thầy), vì “để sau xem lại” thường có nghĩa là không bao giờ.
- Nếu có dịp thì trao đổi thảo luận với bạn học, thỉnh thoảng đánh liều debate cả với vợ (vợ mình cũng quản lý dự án và kiến thức cũng rất tốt dù chưa thi PMP). Mình thấy hình thức này rất hay. Khi mình nói ra ý hiểu của mình, lắng nghe ý hiểu của người khác hay chỉ đơn giản diễn đạt lại vấn đề mình gặp phải… -> mình vỡ ra rất nhiều thứ. Không ít lần khi đang thảo luận, nói chưa xong mình đã tự nhận ra lỗ hổng trong mindset của mình, và mỗi lần như thế một phần kiến thức đã chuyển từ bên ngoài vào trong đầu.
- Trong khi làm đề, mình tập làm quen luôn với phương pháp đọc câu cuối của đề như đã mô tả ở chiến lược trong phòng thi. Cách làm bài này cũng giúp mình củng cố kiến thức tốt hơn (đọc câu hỏi xong không lướt xuống đáp án luôn mà tự vẽ ra hướng giải quyết từ mindset của mình)
- Sổ ghi chép: mình ghi lại các kiến thức đáng nhớ vào 1 cuốn sổ ghi chép. Đây là cách để mình ghi nhớ, và cũng có thêm tư liệu để review nhanh trước ngày thi.
Có lời khuyên gì cho người mới học không?
- Học bài bản hơn: đọc sách trước mỗi buổi học, làm bài ôn tập sau buổi học, đọc sách, làm full test và review thường xuyên.
- Kiên trì hàng ngày, mỗi ngày một ít nhưng không đứt quãng.
- Làm 5 - 7 đề và review kỹ là vừa. Trong ECO có khoảng 35 task (tương ứng với 35 nhiệm vụ chính của PM), làm 5 - 7 đề là tầm 1000 - 1400 câu -> trung bình mỗi task có khoảng 30 - 40 câu hỏi -> nếu đề mock test đủ dàn trải thì 30 - 40 câu mình cho là khá đủ để đụng tới đa số tình huống điển hình của mỗi task rồi. Tất nhiên nếu bạn có nhiều thời gian và làm đề thấy cũng vui thì cứ làm thêm bao nhiêu tùy thích.
- Trong quá trình học, khi gặp từ/thuật ngữ mới thì tốt nhất nên tra để hiểu rõ nghĩa. Từ nào quan trọng hoặc gặp nhiều thì càng phải nhớ. Trên blog kiến thức của Atoha có trang thống kê 52 loại thuật ngữ PMP dễ gây nhầm lẫn & giải thích chuyên sâu và nhiều bài viết khác khá phong phú.
- Nên thử làm full test một vài lần vào khung giờ dự định đi thi để test khả năng tập trung, cảm nhận lại đồng hồ sinh học của bản thân.
- Nếu thời gian là vấn đề của bạn -> đừng cố chờ ngày nào có thời gian rảnh 4 tiếng mới làm bài test. Có 1 số đề (VD như Super Plus Q4) không tính giờ làm, có thể làm thoải mái; hoặc bạn có thể làm từng block ngắn 60/100/120… câu rồi submit & review luôn, sau đó reattempt và làm nốt các phần còn lại.
Quá trình học thực tế của bạn?
- Học offline (tháng 3 - 4 - 5): cố nghe và ghi chép/ghi nhớ trên lớp. Mình dại dột không đọc sách trước các buổi lên lớp; bài quiz làm sau buổi học cũng hoàn thành khoảng 1 nửa, tới khi học xong mới hoàn thành thêm 1 ít nữa.
- Do khi học offline không chăm chỉ nên sau khi học xong, trong vài tuần đầu tự ôn, mình làm thử 3 đề minitest (50 câu) và 2 đề full-test (Prep 01, Prep 02 - loại đề 200 câu) kết quả đều chỉ khoảng 65 - 67%, và thấy vẫn khá mơ hồ về các nhiệm vụ từ tổng thể tới chi tiết của 1 PM.
- Giữa tháng 6, mình dừng làm đề và dành ra khoảng 2 tuần để học các mục đã vạch ra trong checklist (các bước quản lý thay đổi; các chiến lược xử lý risk/conflict; các công thức quan trọng: float/EV; các chart/diagram/matrix quan trọng…). Trong thời gian này mình cũng nộp hồ sơ thi lên PMI, nộp trước lệ phí thi.
- Mình dành tiếp khoảng 2 tuần để đọc về 49 process trong quyển PGPG, mục tiêu là hiểu được bức tranh tổng thể những gì đang diễn ra của một dự án, trình tự các bước, ý nghĩa các bước. Mình tham khảo thêm Document Template (form mẫu các loại tài liệu dự án) được cung cấp bởi các thầy Atoha để hiểu rõ hơn data flow giữa các process. Trong quá trình học, thấy bắt đầu xâu chuỗi được các mảng kiến thức, mình đặt lịch thi vào 2 tuần sau đó. Mà đọc sách rồi mới thấy không lâu và không khó như mình tưởng -> có lúc tự nhủ: biết thế đọc luôn từ lúc mới học offline.
- Trong khoảng 1.5 tuần cuối cùng, mình review lại 2 đề Prep 01, 02 đã làm trước đó rồi làm/review tiếp 400 câu của đề Super Plus Q4.
- Với đề Q4, mình làm 110 câu đầu rồi submit & review (kết quả lại 68% câu đúng)
- Làm tiếp 110 câu giữa rồi submit & review (kết quả khoảng 77% câu đúng)
- Làm nốt 180 câu cuối và submit & review (kết quả khoảng 80% câu đúng)
=> trung bình đề Q4 đạt 76%, coi như đủ tự tin đi thi.
- Mình làm và review xong đề Q4 vào sát ngày thi nên thôi không làm đề nào nữa. Buổi tối hôm đó mình không làm bài và ngủ sớm để lấy lại sức cho mấy hôm học hơi căng. (So với kế hoạch ban đầu thì lẽ ra mình còn làm khoảng 2 bài full test nữa mới đi thi, nhưng do bị cháy thời gian nên không kịp; mọi người cố đừng để bị cháy như mình).
- Buổi sáng ngày thi, như có kể qua ở trên, mình ngồi cafe ở dưới chân tòa nhà của trung tâm, đọc lướt lại bài tổng hợp các PMI gaps trên trang Atoha & các phần đáng chú ý trong sổ ghi chép, nói chung là toàn đọc lướt cho nhẹ nhàng. Các phần này mình có học từ trước và vẫn còn nhớ khá tốt nên thấy cũng bình thường, không mệt mỏi hay lo lắng gì. Cũng may kết quả thi vẫn đạt như mong đợi.
Xem thêm
PMP® GUIDE - HƯỚNG DẪN LUYỆN THI PASS PMP® ON THE FIRST TRY TOÀN DIỆN