Bước đầu tiên: Tìm hiểu lý do Tại sao?
Tìm hiểu lý do tại sao có sự chuyển đổi PMBOK® 7th Edition qua bài viết của tác giả Vanina Mangano, PMP, Standards Member Advisory Group
Tháng 01 năm 2017, tôi tham dự sự kiện thường niên do PMI tổ chức cho một nhóm tình nguyện viên phục vụ kỹ năng lãnh đạo. Vào ngày đầu tiên của sự kiện, PMI thông báo một điều thú vị: PMI đang chuyển đổi. Tôi nhớ, trong căn phòng rộng lớn lúc ấy, các tình nguyện viên đều rất phấn khích, họ ầm ĩ cả lên và tò mò tự hỏi sẽ có những thay đổi gì. Thậm chí trước khi PMI bắt đầu nỗ lực chuyển đổi, đằng sau hậu trường, một số cuộc thảo luận quan trọng đã diễn ra, dẫn đến một số thay đổi trong nội bộ cộng đồng Tiêu chuẩn (Standards community). Những cuộc thảo luận này tác động đến việc chuyển đổi tiêu-chuẩn-dựa-trên-quy-trình thành tiêu-chuẩn-dựa-trên-nguyên-tắc. Brian Grafsgaard và Mike Frenette đã viết blog về những thay đổi này vào hồi tháng 8 và tôi nghĩ mình nên viết tiếp bài đăng của họ với một số bình luận bổ sung cũng như hiểu biết cá nhân về lý do tại sao những thay đổi này đang diễn ra.
Đầu tiên, bạn có biết rằng, có nhiều loại tiêu chuẩn khác nhau? Trong bài viết ngày 28 tháng 8, Mike đã viết một bản tóm tắt tuyệt vời về định nghĩa cái gì là một tiêu chuẩn dựa trên nguyên tắc. Nếu bạn chưa đọc qua, tôi nghĩ bạn nên đọc nó – nó không chỉ có những thông tin hữu ích mà còn rất thú vị!
Có ba cách tiếp cận chung được sử dụng để ghi lại các tiêu chuẩn:
- Một tiêu chuẩn dựa trên nguyên tắc (principle-based standards) được xây dựng quanh một bộ các văn bản về nguyên tắc. Những văn bản này lưu giữ và tóm tắt các mục tiêu được chấp nhận cho việc thực hành và các chức năng cốt lõi của nó.
- Một tiêu chuẩn dựa trên tường thuật (narrative-based standards) lấy ý nghĩa từ những câu chuyện và bản mô tả.
- Một tiêu chuẩn dựa trên quy trình (process-based standards) sắp xếp lĩnh vực và chức năng quản lý xung quanh bộ các quy trình kinh doanh được quản lý để đạt được kết quả mong muốn.
Lướt qua ba định nghĩa trên có thể thấy, PMBOK® phiên bản thứ 06 (PMBOK® Guide–Sixth Edition) sử dụng cách tiếp cận không quá khó: nó tuân theo cách tiếp cận dựa trên quy trình. Brian đã lưu ý trong một bài blog ngày 2 tháng 8 rằng tiêu chuẩn trong phiên bản thứ 07 của PMBOK® sẽ phát triển từ tiêu chuẩn dựa trên quy trình sang tiêu chuẩn dựa trên nguyên tắc.
Tiêu chuẩn cho Quản lý Chương trình (The Standard for Program Management) lần đầu tiên thay đổi theo hướng này trong ấn bản thứ ba và Tiêu chuẩn cho Quản lý Danh mục (The Standard for Portfolio Management) được áp dụng trong ấn bản mới nhất. PMI không phải là tổ chức duy nhất làm điều này; Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (International Organization for Standardization - ISO) từ lâu đã sử dụng phương pháp tiếp cận này.
Những cuộc thảo luận “đằng sau hậu trường” mà tôi đã đề cập ở đầu bài đã diễn ra trong giới lãnh đạo Standards trong vài năm qua, chủ yếu là do phản hồi của người làm nghề quản lý dự án – đây được cho là động lực lớn nhất dẫn đến những sự thay đổi này. Cụ thể, phản hồi của người làm nghề nhấn mạnh rằng các tiêu chuẩn phải giải quyết toàn bộ phổ phân phối giá trị. Tiêu chuẩn trong phiên bản thứ 07 của PMBOK® sẽ nhằm mục đích thực hiện điều này - ghi lại các khái niệm quản lý dự án nền tảng để mang lại kết quả thành công trong toàn bộ phổ phân phối giá trị. Điều này sẽ đạt được thông qua một bộ các nguyên tắc hướng dẫn áp dụng vào toàn bộ phổ phân phối giá trị, bao gồm các phương pháp chuyển giao như dự đoán (predictive), thích ứng (adaptive) và lai (hybrid).
Việc chuyển đổi theo hướng này không có nghĩa là các yếu tố về cách thức thực hiện (“how”) hoàn toàn biến mất. Trong thực tế, nhiều công cụ, kỹ thuật và phương pháp cùng tồn tại, có thể được kết hợp trong cùng một cuốn sách. Các tài nguyên này được thu thập và chuyển giao tốt hơn thông qua một công cụ trực tuyến mà tôi nghe rằng, nó cũng đang được phát triển. PMI sẽ làm sáng tỏ điều đó vào cuối năm nay.
Xét trên góc độ cá nhân, tôi rất hứng khởi với hướng đi mới này và tôi có thể thấy sự liên kết với Kế hoạch chiến lược của PMI năm 2017 (PMI 2017 Strategic Plan), được giới thiệu lần đầu tiên trong hội nghị lãnh đạo vào tháng 1 năm 2017. Tôi thấy nhiều người làm nghề quản lý dự án đã giải thích sai cách áp dụng các quy trình quản lý dự án, xem các quy trình như Waterfall và áp dụng các quy trình theo nghĩa đen của nó và/hoặc theo trình tự liên tiếp (một cách công bằng, khái niệm “tailoring – điều chỉnh cho phù hợp” trong PMBOK 6th Edition dường như khó hiểu khi tiếp cận các tiêu chuẩn dựa trên quy trình). Với tư cách là người thực hành quản lý dự án, việc xoay trục về một tập hợp rộng hơn các tham số mà chúng ta áp dụng sẽ cho phép chúng ta tận dụng tốt hơn các kiến thức và thực tiễn cốt lõi, qua đó giúp PMI đạt hiệu quả trong nhiều thập kỷ.
Tôi hy vọng các người làm nghề cảm thấy rằng tiếng nói của họ đã được lắng nghe thông qua những thay đổi sắp tới. Như Brian đã lưu ý trước đó, nghề quản lý dự án đang phát triển. Tập hợp các công cụ chúng ta cần để trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả cũng phải phát triển và chuyển đổi.
Tác giả: Vanina Mangano, PMP, Standards Member Advisory Group
Xem thêm
TỔNG HỢP cập nhật PMBOK® 7th Edition