LIỆU NGHỀ DỰ ÁN CÒN PHÙ HỢP TRONG MỘT THẾ GIỚI LUÔN THAY ĐỔI?

"Tôi cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tác động đến ngành quản lý dự án theo 2 hướng chính: thứ nhất là cách mà chúng ta triển khai các dự án và thứ hai là các loại hình dự án mà chúng ta sẽ thực hiện"Alistair Godbold (Phó Chủ tịch, Nguyên Giám đốc, Hội viên cấp Fellow thuộc Hiệp hội Quản lý dự án (APM- Association for Project Management); Nguyên Giám đốc Hiệp hội Dự án lớn (MPA - Major Projects Association); Hội viên Danh dự, Hiệp hội Quản lý Dự án Quốc tế (International Project Management Association - IPMA))

Phỏng vấn ông Alistair Godbold

Phó Chủ tịch, Nguyên Giám đốc, Hội viên cấp Fellow thuộc Hiệp hội Quản lý dự án (APM- Association for Project Management)
Nguyên Giám đốc Hiệp hội Dự án lớn (MPA - Major Projects Association)
Hội viên Danh dự, Hiệp hội Quản lý Dự án Quốc tế (International Project Management Association - IPMA) 

Alistair Godbold là một giám đốc chương trình giàu kinh nghiệm với hơn 30 năm quản lý và tư vấn cho cho các công ty về việc thiết lập, vận hành và quản trị các dự án cùng các chương trình chủ yếu phức tạp. Ông đã tư vấn, thiết lập và lãnh đạo quá trình chuyển đổi của các tổ chức để cải thiện cách thức triển khai các dự án và chương trình lớn. Ông cũng có kinh nghiệm tham gia và thực hiện nhiều dự án, bao gồm dự án xây dựng với mô hình chuyển đổi doanh nghiệp ứng dụng CNTT hay dự án xây dựng hệ thống có tính toàn vẹn cao, đồng thời tư vấn cho các dự án chính phủ, quốc phòng, đường sắt, hạt nhân, hàng không và khai thác mỏ tại Vương quốc Anh và cả nước ngoài. 

Alistair Godbold từng là giám đốc của APM và MPA. Ông là hội viên cấp Fellow (cấp bậc cao nhất) của các tổ chức như APM, Viện Kỹ thuật và công nghệ (Institute of Engineering and Technology), Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia (Royal Society of Arts), và Trung tâm Quốc tế về Quản lý Dự án Phức hợp (International Centre for Complex Project Management) – ông còn là thành viên hội đồng quản trị của trung tâm này. Ông đã phát hành bộ quy tắc “Infrastructure Governance – Tạm dịch: Quản trị Cơ sở hạ tầng” với tư cách là một thành viên thuộc nhóm quản trị “Dự án số 13”. Ông được chứng nhận là kỹ sư và chuyên gia quản lý dự án. Năm 2011, ông được phong làm “Hội viên danh dự” của APM vì những đóng góp cho ngành quản lý dự án. Alistair cũng là “Hội viên danh dự” của IPMA - nơi ông từng giữ vai trò thành viên ban hội đồng và chủ tịch Ủy ban Cố vấn.

Câu hỏi thứ nhất: Đầu tiên, xin cảm ơn ông đã nhận lời mời phỏng vấn từ PM World Journal. Xin chúc mừng ông vừa được bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch APM. Ông có định hướng nào cho APM trong thời gian tới không?

Alistair Godbold (Godbold): APM đang dẫn đầu trong rất nhiều lĩnh vực của ngành quản lý dự án. Chúng tôi luôn chào đón và hỗ trợ mọi khía cạnh của ngành, đồng thời không ngừng nỗ lực để nâng cao cả tính nghệ thuật và tính khoa học trong lĩnh vực này. APM đang theo đuổi một sứ mệnh thực hiện các dự án thành công, nhằm mang lại lợi ích cho xã hội, nơi mà mọi người đều có thể đồng hành và đóng góp.

Đối với tôi, để tiếp nối hành trình này, APM sẽ hỗ trợ và đảm bảo thành công cho các dự án không chỉ tại Vương quốc Anh mà còn trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng cần bứt phá khỏi vùng an toàn, mở rộng sang các ngành công nghiệp và lĩnh vực mới để mang lại lợi ích cho tất cả mọi người bằng việc triển khai thành công các dự án. Để làm được điều này, chúng tôi cần thích nghi với bối cảnh quốc tế và các ngành công nghiệp mới. Chúng tôi cần đổi mới ngôn ngữ và cách truyền tải về nghề quản lý dự án để phù hợp với những bối cảnh khác nhau, thay vì chỉ sử dụng cách diễn đạt quen thuộc và cho rằng nó sẽ có giá trị tương tự trong những lĩnh vực mới này. 

Câu hỏi thứ 2: APM là một hiệp hội quản lý dự án của Anh. Theo ông, những xu hướng quan trọng nhất đối với ngành quản lý dự án ở Anh trong những năm tới là gì?

Godbold: Chúng ta đang sống trong một thế giới không ngừng thay đổi và phát triển, vì vậy nghề quản lý dự án cũng cần phải thích ứng theo. Trong nhiều năm qua, lĩnh vực này đã tiếp nhận các khái niệm hợp nhất như Quản lý chất lượng toàn diện (TQM), Chuỗi tới hạn (Critical Chain), Tài trợ dự án (Sponsorship) và Agile. Trong tương lai gần, ngành quản lý dự án cần phải thích ứng để nắm bắt cơ hội từ trí tuệ nhân tạo (AI) và sự phức tạp ngày càng gia tăng.

Tôi cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tác động đến ngành quản lý dự án theo 2 hướng chính: thứ nhất là cách mà chúng ta triển khai các dự án và thứ hai là các loại hình dự án mà chúng ta sẽ thực hiện.

Đầu tiên là cách chúng ta triển khai dự án. AI sẽ được tích hợp vào các công cụ mà chúng ta đang sử dụng ngày nay, giúp nâng cao hiệu quả công việc. Nó sẽ thay đổi bản chất của một số công việc mà chúng ta đang thực hiện. Ví dụ, AI có thể tác động đến cách chúng ta lập tiến độ dự án bằng cách sử dụng dữ liệu từ các dự án tương tự trước đây để ước tính và xác định mối quan hệ phụ thuộc. Tuy nhiên, chúng ta sẽ cần xem xét và điều chỉnh lại các kết quả này, tương tự như khi bạn nhờ ChatGPT viết một bài báo, sau đó bạn sẽ cần chỉnh sửa lại để phù hợp hơn với ngữ cảnh cụ thể. AI cũng sẽ tác động đến cách chúng ta xác định cơ hội, rủi ro và vấn đề trong dự án, giúp chúng ta học hỏi từ kinh nghiệm và cải thiện cách viết báo cáo. Giai đoạn thứ hai trong ảnh hưởng đầu tiên này là AI sẽ giúp chúng ta thực hiện những điều khác biệt trong quản lý dự án. Chúng sẽ tạo ra các công cụ mới để quản lý dự án, và kéo theo nhiều tác động đi kèm. Điều này cũng tương tự như những gì đã xảy ra trong các ngành công nghiệp khác. Cuộc cách mạng công nghiệp đã mang đến động cơ hơi nước vào sản xuất, giúp dệt vải nhanh hơn và thu hoạch mùa màng hiệu quả. Tác động đi kèm của nó là sự phát triển của các thành phố, sự suy giảm của nông thôn và sự khởi đầu của biến đổi khí hậu.

Đây đều là những cơ hội và thách thức mới mà chúng ta cần chú ý. Tuy nhiên, chúng ta cần cảnh giác và chủ động tận dụng AI, thay vì trở thành nạn nhân của những hệ quả mà nó có thể mang lại. 

Câu hỏi thứ 3: Ông đã từng quản lý nhiều dự án lớn và phức tạp. Vậy ông định nghĩa thế nào là một dự án phức hợp (complex project)? Thế nào là một dự án lớn (major project)?

Godbold: Theo tôi, hai khái niệm này khá giống nhau. Hầu hết các dự án lớn đều là dự án phức hợp và phức tạp. Tôi sử dụng các thuật ngữ này rất cẩn thận. Phức tạp là những vấn đề khó hiểu nhưng mang tính quyết định (deterministic). Nghĩa là, nếu bạn thực hiện cùng một công việc theo cách giống nhau trong cùng một dự án, bạn sẽ nhận được kết quả giống nhau. Đây là một vấn đề tuyến tính. Dự án phức tạp là dự án có các vấn đề mới xuất hiện và kết quả không thể dự đoán trước. Chúng yêu cầu tính linh hoạt cao hơn và cách quản lý khác biệt.

Câu hỏi thứ 4: Những yếu tố nào là cần thiết để thực hiện thành công một dự án phức hợp và một dự án lớn?

Godbold: Nếu chúng ta áp dụng các công cụ dành cho các dự án phức tạp vào các dự án phức hợp và cố gắng ép chúng theo một quy trình cứng nhắc, điều này sẽ chỉ khiến chúng ta thất bại nhanh hơn. Với các dự án phức hợp, điều quan trọng là phải lắng nghe đội ngũ, các bên liên quan và các chuyên gia nhiều hơn. Giải pháp hiệu quả là thành lập các nhóm tự tổ chức (self-organizing teams), nơi các thành viên có quyền chủ động tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Khi vấn đề được giải quyết, nhóm có thể giải tán và được tái lập theo một cấu trúc khác cho vấn đề tiếp theo.

Vai trò của người quản lý dự án trong trường hợp này là tạo ra một môi trường an toàn để thúc đẩy quá trình này, trong khi vẫn giữ quyền kiểm soát chung. Nghe thì có vẻ dễ, nhưng để thực hiện được thì lại là một thử thách lớn nhưng cũng rất thú vị. 

Câu hỏi thứ 5: Ông có niềm đam mê về việc cải tiến liên tục. Theo ông, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ảnh hưởng đến cải tiến liên tục như thế nào? Khi các án ngày càng mang tính toàn cầu, với phương pháp tiếp cận kết hợp (hybrid) và được làm từ xa (remote), làm thế nào để thực hiện cải tiến liên tục một cách hiệu quả?

Godbold: Cải tiến liên tục là yếu tố cốt lõi trong bất kỳ lĩnh vực hay ngành nghề nào. Trước đây, cải tiến liên tục phụ thuộc vào sự sáng tạo của cá nhân – người có khả năng quan sát tình hình, học hỏi từ các lĩnh vực khác và tìm ra cách áp dụng kiến thức mới. Một phần kiến thức này đến từ kinh nghiệm thực tế, phần còn lại đến từ nghiên cứu và những hiểu biết mới.

AI sẽ giúp chúng ta kết nối các dữ liệu và tạo ra cách thức mới để áp dụng kiến thức. Khi bạn sử dụng ChatGPT và đặt một câu hỏi, hầu hết các câu trả lời sẽ dựa trên khả năng xảy ra cao nhất theo lượng dữ liệu hiện có. Thay vì việc tập trung vào câu trả lời cho vấn đề hiện tại, chúng ta nên tập trung vào cách đặt câu hỏi và xác định đúng vấn đề. Theo tôi, điều này sẽ thay đổi cách tiếp cận trong việc cải tiến liên tục. Sự sáng tạo của chúng ta là chuyển sang việc tái cấu trúc câu hỏi để có thể tận dụng tối đa lượng dữ liệu mà AI đã xử lý để giúp thúc đẩy quá trình cải tiến.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc tập hợp những người khác nhau và quan trọng nhất là sự đa dạng trong góc nhìn và quan điểm sẽ giúp chúng ta đặt ra những câu hỏi mới, có giá trị hơn.

Câu hỏi thứ 6: Ông có nhiều kinh nghiệm trong vai trò lãnh đạo và trong các hội đồng quản trị. Ông cũng đã từng báo cáo cho các hội đồng quản trị về các dự án có giá trị cao. Theo ông, tầm nhìn của ban hội đồng quản trị và giám đốc điều hành đã thay đổi như thế nào qua các năm?

Godbold: Vai trò của hội đồng quản trị đã thay đổi đáng kể trong những năm qua nhờ vào các nghiên cứu, quy định và việc chia sẻ cũng như công bố các thông lệ tốt nhất.

Trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp tại Vương quốc Anh, phần lớn thông lệ này đã được Hội đồng Báo cáo Tài chính (FRC) chia sẻ với Bộ quy tắc Quản trị Doanh nghiệp trong các báo cáo khác nhau, hướng dẫn về cách thức hoạt động của hội đồng quản trị. Điều này đã chuyển đổi vai trò của những người sở hữu thành các chuyên gia dựa trên kiến thức và kỹ năng của họ. Nhiều nhà đầu tư khi vào các công ty sẽ xem xét việc quản lý các dự án, và cách thức mà chúng được triển khai.

Khi thực hiện “Dự án số 13”, chúng tôi đã công bố Bộ Quy tắc Quản trị Cơ sở hạ tầng. Bộ quy tắc này đưa ra các hướng dẫn về cách quản trị một dự án lớn cho hội đồng quản trị và đảm bảo rằng dự án đang sử dụng các thông lệ tốt nhất.

Bộ quy tắc này sử dụng cách tiếp cận "tuân thủ và giải thích" (comply and explain) thay vì cách tiếp cận dựa trên quy định cứng nhắc (rules-based) như ở Hoa Kỳ. Điều này giúp việc áp dụng trong từng bối cảnh trở nên dễ dàng hơn.

Ngoài ra, các nguyên tắc trong bộ quy tắc này khó để lách luật hơn so với các quy định, bởi vì bạn có thể cố tình tuân thủ một cách đối phó với các quy định nhưng lại không thực hiện đúng tinh thần của chúng.

Câu hỏi thứ 7: Ông có muốn gửi thông điệp cuối cùng nào đến độc giả của PM World Journal không?

Godbold: Quản lý dự án là hoàn thành các công việc. Đây là yếu tố quan trọng đối với sự thịnh vượng của thế giới mà chúng ta đang sống. Nó có thể mang lại giá trị to lớn cho xã hội.

Cách chúng ta nói về quản lý dự án và ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng có vai trò rất quan trọng. Hầu hết chúng ta học về quản lý dự án trong các ngành kỹ thuật hoặc được những người có chuyên môn chỉ dạy. Nếu chúng ta muốn mở rộng vai trò của quản lý dự án, chúng ta phải học ngôn ngữ của các ngành nghề và lĩnh vực mới.
Chúng ta chỉ có một cách để nói về biểu đồ Gantt, nhưng người Anh có 100 từ để miêu tả mưa. Chúng ta phải học cách giao tiếp mới để mang lại lợi ích cho nghề nghiệp của mình.

Phỏng vấn viên - Yasmina Khelifi

Yasmina Khelifi, PMP, PMI-ACP, PMI-PBA, là một giám đốc dự án giàu kinh nghiệm trong ngành viễn thông. Trong sự nghiệp hơn 20 năm tại Orange S.A. (tập đoàn viễn thông đa quốc gia lớn của Pháp), cô đã rèn luyện kỹ năng lãnh đạo toàn cầu và quản lý các dự án với các nhà sản xuất và đơn vị sản xuất SIM lớn.

Yasmina luôn cố gắng xây dựng cầu nối hợp tác giữa các thành viên trong nhóm để làm cho các dự án quốc tế thành công, dựa vào ba yếu tố cốt lõi: Kỹ năng quản lý dự án, khả năng ngôn ngữ và niềm đam mê chia sẻ kiến thức của cô.

Cô sở hữu chứng chỉ PMP từ năm 2013 và chứng chỉ PMI-ACP, PMI-PBA từ năm 2020. Yasmina là một tình nguyện viên tích cực của PMI France và PMI UAE, đồng thời là thành viên của PMI Germany Chapter.
Yasmina nói được tiếng Pháp (ngôn ngữ mẹ đẻ), tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Nhật và hiện đang học tiếng Ả Rập. Cô yêu thích việc chia sẻ kinh nghiệm trong công việc, trong các hoạt động tình nguyện của PMI và trên trang projectmanagement.com với vai trò là một blogger thường xuyên.

Yasmina cũng là người sáng lập và dẫn chương trình podcast “Global Leaders Talk with Yasmina Khelifi”, nơi cô giúp các nhà lãnh đạo quốc tế nâng cao kỹ năng quản lý và lãnh đạo.

Nguồn: PM World Journal
Tập XIV, Số III – Tháng 3 năm 2025


Cũ hơn Mới hơn


Thông tin liên hệ

Thông tin chuyển khoản
Công ty Cổ phần ATOHA. Ngân hàng Á Châu (ACB). Số tài khoản: 6868 2468, PGD Tân Sơn Nhì, TPHCM.
Đăng ký khóa học
Chọn khóa học phù hợp bằng cách điền thông tin như link bên dưới. Tư vấn viên Atoha sẽ liên hệ anh/chị ngay.
Câu hỏi thường gặp

“Có. Atoha sẽ có chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo dành cho học viên và cung cấp 35 giờ đào tạo bắt buộc (1 trong 3 điều kiện thi lấy chứng chỉ PMP quốc tế)."

“Cả 2. Tài liệu có thể là tiếng Anh hoặc tiếng Việt tùy vào lớp. Atoha có thể đào tạo bằng cả tiếng Anh hoặc tiếng Việt."

“Chưa bao gồm. Học viên sẽ cần đóng phí thi trực tiếp cho viện PMI nếu muốn đăng ký thi, phí thi tham khảo như sau: 389 USD/non-member và 393 USD/member (trong đó phí thành viên PMI là 99 USD, phí admin là 10 USD, phí thi PMP là 284 USD). Chi phí này dành cho một số khu vực, trong đó có Việt Nam. Tham khảo thêm tại: www.pmi.org"

Liên hệ ngay với Atoha để được tư vấn về chương trình phù hợp