Kinh nghiệm thi PMP - Lê Hoàng Tường Duy (PMPONLINEPRO32)
QUÁ TRÌNH HỌC TẬP 14 TUẦN CÙNG ATOHA
Mình vẫn ủng hộ việc học theo quy trình chuẩn của Atoha thì chắc chắn sẽ nắm vững kiến thức một cách bài bản nhất. Tuy nhiên, bản thân mình cũng khá bận rộn với đặc thù công việc và mình tin là đa số mọi người đang đi làm cũng sẽ trong hoàn cảnh tương tự giống mình. Mình cũng từng lên lịch mỗi ngày đọc bao nhiêu trang sách, slide và bài tập tương ứng để theo kịp bài nhưng mình không làm được vì không có nhiều thời gian. Mỗi ngày làm việc về mở sách lên đọc thì lại rất buồn ngủ và đọc trước quên sau. Cuối cùng thì mình chọn học khác đi một chút:
🔸 Mình dành thời gian để làm bài tập theo chương của Atoha, mình tạo thói quen làm mỗi ngày (thông thường là 30 phút buổi trưa và 2 giờ buổi tối sau khi cơm tối và nghỉ ngơi, đánh đổi thời gian lướt mạng xã hội), mình làm bài tập mỗi lúc rảnh rỗi để thấm kiến thức một cách từ từ.
🔸 Các câu hỏi bài tập theo chương sẽ có giải thích khá chi tiết, mình sẽ đọc nội dung giải thích và quay lại đọc sách phần đó, sau đó mình sẽ đánh dấu phần kiến thức đó trong sách để biết là mình đã đọc qua. Câu nào có giải thích hay hoặc mình làm sai nhiều thì mình sẽ capture lại vào note ở trên điện thoại, thỉnh thoảng lướt sơ qua cho nhớ. Cứ như vậy khi đi hết một chương, mình sẽ lướt lại nội dung đã học trong sách xem phần nào mình chưa đọc thì mình sẽ catchup. Bản thân mình thấy theo cách này kiến thức sẽ tiếp thu từng phần, có thể rời rạc nhưng giúp mình đỡ nản, đỡ ngán hơn khi chỉ ôm PMBOK và đọc từ đầu đến cuối.
🔸 Mình tự tạo một file tracker như thầy giáo hướng dẫn để monitor quá trình học, làm bài tập, ghi chú tất cả các note của mình vào đó, và cuối cùng là tracker cho phần làm bài full test của mình sau này. Mình chia nội dung kiến thức theo từng phần, các tools, tính toán… và filter cho dễ lọc lại nội dung sau này lúc ôn thi.
🔸 Cuối cùng, mình nghĩ điều quan trọng nhất trong quá trình học đó là thói quen học tập đều đặn mỗi ngày trong 14 tuần cùng Atoha, mình không quá pressing vì kiến thức lớn, mà cần tiếp thu một cách đều đặn, ghi nhớ và mapping với kinh nghiệm thực tế của bản thân để làm sao align với mindset của PMI.
QUÁ TRÌNH LÊN LỊCH THI VÀ ÔN LUYỆN LÀM QUEN VỚI ĐỀ (PREP, 10.X)
Quá trình học tập và ôn luyện giống thầy giáo hay nói, nó như là một dự án thu nhỏ của bản thân mình, cần trải qua những giai đoạn căn bản của dự án: Initiating - Planning - Excuting - Montoring - Closing.
Đối với quá trình học và thi của mình như một dự án hybrid, đôi lúc có những kế hoạch mình có thể plan trước từ xa ở high level như booking và chốt lịch thi, nhưng những milestone nhỏ mình có thể chia ra theo timebox 1 - 2 tuần và “Rooling Wave planning” mà thôi, điều này tùy thuộc vào kế hoạch công việc của mỗi người, cách phân bổ quỹ thời gian (schedule) và công sức bản thân dành cho việc học (resource) để đạt được kết quả mong muốn.
Mình bắt đầu đặt lịch thi vào tháng 11/2023, và thi vào cuối tháng 01/2024. Quá trình chuẩn bị application form và booking lịch thi khá suôn sẻ nhờ sự hỗ trợ và review/feedback của Atoha.
- Quá trình lên lịch thi: mình có ý định thi cuối năm dương lịch vì mình thường có kỳ nghỉ dài từ Giáng Sinh đến Tết Dương lịch khoảng 10 ngày, lúc đó vừa kết thúc chương trình học tại Atoha và mình tập trung 100% để làm đề theo trình tự mà Atoha khuyến cáo.
- Quá trình làm đề bắt đầu từ đầu tháng 12 với những đề Prep. Mỗi ngày vừa đi làm vừa chia nhỏ đề ra mỗi 60 - 100 câu, mình cũng thử ép bản thân là thức dậy sớm lúc 5h00 - 5h30 sáng để làm đề, một tuần sẽ làm 02 đề full vừa làm vừa review. Cuối tuần thì mình dành suốt 04 giờ liên tục để làm đề. Nhưng thực sự cách này không hiệu quả đối với mình, mình bị thiếu ngủ và quá tải vì một phần công việc cuối năm deliver project cũng khá áp lực.
- Khi chia nhỏ đề Prep thì hiệu suất tập trung của mình rất thấp, làm vào buổi sáng và tối thường mình rất buồn ngủ (58%-68%). Một số đề của Rita câu hỏi rất dài, lúc mình đọc xong câu hỏi thì đọc trước quên sau, không kịp thời gian trả lời, vì vậy kết quả 1st try của mình dưới 60%, khiến mình khá hoang mang. Nhưng bù lại phần giải thích rất kỹ và mình review tất cả những phần giải thích trong đáp án.
- Mình quyết định chỉ làm 01 đề của Rita, sau đó chuyển qua làm đề Prep 2 và Prep 3 của PMI, kết quả khả quan hơn và mình cũng RFG các câu đã làm, đọc lại sách và mark up cẩn thận. Đây mới là lần đọc sách thấm nhất đối với mình.
- Quá trình RFG, mình có tìm hiểu thêm một số kiến thức trên blog của Atoha và cả trên mạng, phần có hình ảnh cho dễ hiểu và dễ nhớ, đặc biệt là kiến thức liên quan đến Agile vì mình không có background trong lĩnh vực IT.
- Các đề 10x của PMI mình cũng đều làm qua và chỉ đạt 6x - 72% mà thôi. Như đề 10a, mình biết là phần nội dung có phần cũ so với xu hướng ra đề của PMI hiện nay, theo mình đánh giá họ không còn tập trung nhiều vào ITTO hay mình phải thuộc nằm lòng nữa, mà là học hiểu, và nhận diện, đa phần đề thi sẽ là Agile và Hybrid. Tuy nhiên, mình vẫn đánh giá cao giá trị của làm đề 10x và RFG, điều đó giúp mình làm quen và nắm rõ mindset của PMI trong đề thi sau này.
GIAI ĐOẠN NƯỚC RÚT - 01 THÁNG TRƯỚC KHI THI
Mình hầu như dành toàn bộ thời gian của tuần lễ nghỉ giáng sinh và tết dương lịch đề làm bài Supper Plus và Supper Plus Q4/2023. Cũng như Atoha khuyến cáo, và nhiều bạn đã chia sẻ, mình cũng thấy Supper Plus là phần đề quan trọng nhất đối với mình.
Thời gian làm bài: Mình tập trung chia nhỏ bộ đề ra thành 180 câu/230 phút. Mình chia theo từng mốc để phân bổ thời gian làm bài cho hợp lý, cụ thể là 70 phút cho 60 câu, cuối cùng là mình sẽ dư được 20 phút. Mình đã vận dụng cách này vào lúc làm bài thi, và cuối cùng mình dư 45 phút khi kết thúc bài thi, nên mọi người không cần lo lắng, cứ luyện tập bám theo thời gian thi thực tế là sẽ không thiếu thời gian.
Mình làm qua mỗi đề và RFG trước khi qua đề tiếp theo. Đề Super Plus có một số câu có giải thích chi tiết, mình chỉ cần đọc phần giải thích là đủ nhớ. Một số câu không có giải thích thì mình có thể tìm xem nó thuộc domain nào, và tìm lại nội dung trong sách, bài giảng để đọc, hoặc nếu nó lạ quá thì mình cố gắng nhớ luôn và coi như đó là gap của mình so với mindset của PMI.
Mình chưa có thời gian làm đề GREAT, mình cũng theo khuyến cáo của Atoha là tập trung vào chất lượng mỗi đề chứ không phải số lượng. Mình định nếu có thời gian sẽ học open book cho bộ đề này nhưng cuối cùng không đủ thời gian.
Thường giai đoạn 01 tháng trước thi, mình khá stress. Mình khuyên mọi người nên dành thời gian tập thể dục mỗi ngày để giữ tinh thần ổn định, mình có chạy bộ mỗi ngày 3 - 5km và cảm thấy dễ chịu hơn, kèm giảm cân tích cực.
GIAI ĐOẠN 01 TUẦN TRƯỚC KHI THI
- Khoảng 02 - 03 tuần trước khi thi mình bận dự án nên hầu như không học được gì, thỉnh thoảng chỉ đọc lại các câu sai mà thôi. Theo mình nghĩ nếu mọi người không có thời gian nghỉ phép như mình, bên cạnh các đề Prep, 10x thì mọi người có thể dành trọn 02 ngày cuối tuần trong 01 tháng trước khi thi, chúng ta sẽ có 08 ngày nghỉ để ôn bài Super Plus cho chắc. Supper plus có thể chia làm 6 đề nhỏ, mỗi phần 180 câu. Mỗi ngày nghỉ làm full 1 đề và chia nhỏ ra RFG các ngày sau đó trong tuần nếu có thời gian.
- Mình dành 02 ngày cuối tuần của tuần trước thi để làm lại bộ đề Super Plus lần 2, những câu lúc làm không chắc mình đều flag lại và sẽ review lại bất kể là chọn đúng hay sai. Và kết quả từ 8x - 9x% giúp mình tự tin là mình đã nhớ kiến thức. Sau đó, mình RFG các câu sai (và câu flag) một lần nữa trước khi thi. Lưu ý, đến giai đoạn này không cần review câu đúng vì mình đã chọn đúng lúc làm lần 2, nên chắc chắn mình đã nhớ kỹ, vậy nên không cần review đỡ mất thời gian.
- Một ngày trước ngày thi: Mình chọn thi ngày thứ 7 và chỉ nghỉ phép ngày thứ 6, trước ngày thi một ngày hầu như mình không làm đề, chỉ review lại các câu sai qua một lượt và xem lại những câu mà mình note là sai 2 lần mà thôi. Theo mình thì ngày trước thi không nên học gì cả, chỉ cần giữ đầu óc thoải mái là tốt nhất.
NGÀY THI
- Mình vô tình bị cảm và sốt nhẹ một ngày trước khi thi nên hầu như đêm đó không ngủ được, một phần cũng có một chút hồi hộp, nên mình mới thấy sức khỏe quan trọng thế nào. Mọi người nên đi ngủ sớm để có một sức khỏe tinh thần tốt nhất trước khi thi.
- Mình thi ở VNpro TP. HCM, mình đến trung tâm trước 30 phút và 7h30 bắt đầu checkin. Các thủ tục cũng nhanh gọn và chuyên nghiệp.
- Sau mỗi 60 câu mình sẽ được review lại, sau đó sẽ có 10 phút nghỉ break. Mình nghỉ khoảng 5 phút ra ngoài rửa mặt, uống nước và quay lại để giữ nhịp tập trung. Mình vận dụng công thức quản lý thời gian ở trên và cảm thấy thời gian làm bài thực tế sẽ đủ thoải mái để giúp mình có thể đọc hết câu hỏi, đáp án mà không cần đọc lướt. Đề thi đa số tập trung vào các câu hỏi tình huống, không có đánh đố, và có hint cho từng câu hỏi để mình nhận diện. Việc loại trừ đáp án cũng rất hiệu quả vì sự chênh lệch với đáp án là khá rõ ràng.
LỜI KẾT
- Mình tin rằng mỗi người có một kế hoạch và quỹ thời gian dành cho việc học là khác nhau, động lực và mục tiêu cũng khác nhau, chỉ cần kiên định và có kỷ luật với bản thân thì sẽ thành công.
- Bản thân mình cũng từng rất hoang mang 01 tháng trước khi thi và định dời lịch thi sau tết, nhưng vợ mình khuyên mình nên giữ lập trường, và tập trung vào việc học tốt nhất có thể. Việc giữ vững kế hoạch đã đề ra như một commitment, và việc dời lịch lần 1 thì sẽ có lần 2, chúng ta không thể biết trước điều gì xảy ra trong chặng đường dài, mình có thể nghỉ tết, vui chơi và quên hết kiến thức và những rủi ro mình chưa lường trước được. Nên theo mình, học PMP có thể là một mini hybrid của bản thân, và lịch thi là predictive cố định, nếu không có gì trở ngại, chúng ta nên tuân thủ kế hoạch đề ra và deliver dự án của mình theo schedule.
- Cuối cùng là hãy tự tin vào những gì mình đã học, và chuẩn bị một tâm lý vững vàng cho những điều có thể không hoàn hảo như kỳ vọng. Chúng ta đã cố gắng hết sức trên chặng đường chinh phục chứng chỉ PMP, mình tin là mọi người ai cũng có thể đạt được mục tiêu của mình một cách nhanh nhất. Chúc cả lớp nhiều sức khỏe, năm mới thành công và mọi điều tốt lành.
Xem thêm
PMP® GUIDE - HƯỚNG DẪN LUYỆN THI PASS PMP® ON THE FIRST TRY TOÀN DIỆN