“Quiet Quitting” – và cách Agile chống lại điều đó
Cụm từ “Quiet Quitting” (tạm dịch: “làm việc cầm chừng” hoặc “ngắt kết nối sau giờ làm việc”) đã quá phổ biến trên Internet như là một xu hướng đã nhen nhóm và xuất hiện trong những năm đại dịch vừa qua. Một điều bạn cần để đương đầu với “cám dỗ” này chính là: động lực.
“Động lực” cho thế hệ ngày nay là thứ gì đó được đồng bộ và gắn liền với mục đích và quyền tự chủ. Trong một bài đăng trên Instagram cá nhân, Adam Grant – một nhà tâm lý học và là tác giả các đầu sách bán chạy nhất – đã khẳng định “Làm việc cầm chừng (ý chỉ quiet quitting) chính là một phản ứng thường thấy để đối phó với những công việc mang tính bóc lột, những vị sếp tệ bạc, ngược đãi và mức lương thấp”.
Trong khi điều này có thể đúng với một số người, nhưng mặt khác, với số còn lại, đó có thể là biểu hiện của sự thiếu thống nhất trong việc nhìn nhận mục đích mà họ hướng tới với tổ chức. Vậy nên, chúng ta cần phải hoàn thiện lại hệ thống vẫn còn thiếu sót với những “vết rạn” này, cũng như làm nổi bật lên những gì hiện có trong tổ chức.
Trong bất cứ nhóm Agile nào, đa phần các sự kiện luôn mang một ý nghĩa cố hữu nhất định (ít ra, đó là điều mà tôi luôn nhấn mạnh). Lập kế hoạch triển khai, hay “big room planning” (thuật ngữ ám chỉ sự kiện lập kế hoạch trong hai ngày cùng với tất cả các thành viên trong nhóm về chương trình mỗi quý) chính là dịp để truyền thông với cả nhóm về mục đích, bức tranh toàn cảnh và cách để mỗi nhóm hoặc cá nhân đóng góp hoặc cống hiến vào mục tiêu chung.
Nếu mọi việc được triển khai đúng như thế, các nhóm sẽ rất vui khi họ được biết được thông tin và chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó. Điều này cũng cho phép các thành viên nói lên mối bận tâm của họ và linh hoạt hơn trong việc tự chủ các công việc họ sẽ làm trong 03 tháng tiếp theo. Đây là một thiết kế của giao tiếp xã hội, khi tập hợp nhiều nhóm trong một căn phòng hoặc một nền tảng để cùng hoạch định một điều gì đó.
Khuyến khích các nhóm tham gia và bình thường hóa xung đột cũng là một phương pháp lành mạnh – miễn là ở một mức độ vừa phải và mọi người đều hướng đến mục tiêu chung cuối cùng. Xung đột có thể thúc đẩy tính sáng tạo lên cao hơn và tìm ra được những giải pháp tốt hơn trong nhóm. Điều này cũng gắn kết mỗi cá nhân với nhóm và phần nào giảm thiểu tâm lý “quiet quitting”.
Một nhóm nhỏ sẽ mang đến quyền tự chủ lớn hơn và khiến cho mỗi cá nhân đều cảm thấy được trao quyền cũng như thể hiện vai trò của mình. Toàn bộ khái niệm về việc giới hạn số lượng thành viên cho mỗi Scrum team là nhằm mục đích giao tiếp tốt hơn, liên kết chặt chẽ hơn và ra quyết định nhanh hơn. Việc này sẽ giúp cải thiện sự hòa hợp trong nhóm và tạo ra văn hóa riêng, điều mà chỉ xuất hiện khi có sự cởi mở và tin tưởng.
Có thể bắt đầu đơn giản như kết bạn làm thân, cố vấn hoặc làm việc theo cặp cũng là những cách thức phổ biến. Việc trao cho mỗi người cách liên hệ, gắn kết bản thân với bức tranh toàn cảnh và với cả nhóm cũng mang lại kết quả tốt hơn trong học tập và nâng cao đời sống xã hội tại nơi làm việc – từ đó dẫn đến cảm giác thân thuộc, điều thiết yếu cho sự phát triển và gắn kết của mỗi cá nhân.
Bất cứ nhóm hay tổ chức nào thực hiện bất kỳ điều nào ở trên, đều sẽ thấy được sự tham gia, cộng tác của cả nhóm được gia tăng, sự hứng thú của mỗi cá nhân với nơi làm việc cũng cao hơn – và khi đó, chất lượng công việc được cải thiện là một “sản phẩm phụ” của quá trình này.
Thông thường, trong bất kỳ nhóm Agile nào, chúng ta thường quên mất lý do vì sao ban đầu lại chọn Agile. Xây dựng một văn hóa tin tưởng, cởi mở và trao quyền có thể mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Lựa chọn một cách khôn ngoan để xem điều gì cần thay đổi hoặc điều chỉnh sẽ mang lại tầm nhìn và lộ trình tốt hơn cho cả nhóm – không chỉ cho sản phẩm mà còn mang lại kết quả cho việc xây dựng đội nhóm. Việc chọn đúng nhóm sẽ thấm nhuần một thái độ tuyệt vời!
Tất cả chúng ta, đều phải nhận thức được rằng với mọi thế hệ, sự thay đổi xã hội và môi trường làm việc đều trải qua những biến đổi lớn. Vì vậy, những gì được áp dụng và vận hành ở 05 năm trước có lẽ đã không còn phù hợp sau đại dịch lúc này. Thế nên, việc đổ lỗi cho hệ thống hoặc tổ chức về một số hoạt động nhất định không phải là một lựa chọn đúng. Thấu hiểu đội nhóm và những gì họ mong muốn từ công việc cũng quan trọng không kém để đương đầu với tiêu cực. Có thể xem sự thay đổi này như một “làn gió mới” – cho cả những “tân binh mới đến” và các cấp quản lý.
Atoha Institute
Nguồn: Soma Bhattacharya (Projectmanagement.com)
Agile - Định nghĩa của sự thay đổi liên tục
3 trụ cột của Chủ nghĩa Kinh nghiệm trong Scrum
Những lầm tưởng và quan niệm sai lầm về Servant Leadership
Leadership vs. Management - So sánh Lãnh Đạo và Quản Lý
Leadership Styles là gì? Một số loại Phong cách lãnh đạo trong bài thi PMP®